Mục Lục
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch ngày càng cao và ngày càng trẻ hóa. Đây là bệnh lý xuất hiện âm thầm, tiềm ẩn trong cơ thể. Nếu không phát hiện hoặc điều trị kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Có thể thấy rằng, bệnh về tim mạch là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê cho thấy, cứ 4 người thì 1 người cơ nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
Bài viết này, hãy cùng Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Hồng Nhật chuyên khoa tim mạch tại Bệnh Viên Đa Khoa chia sẻ rõ hơn về bệnh.
Bệnh tim mạch là bệnh như thế nào?
Bệnh tim mạch là một bệnh lý liên quan đến hoạt động của tim và các mạch máu trong cơ thể. Khi đó làm suy yếu khả năng hoạt động của tim, ảnh hưởng đến đa bộ phận. Các bệnh lý về tim mạch bao gồm:
- Bệnh động mạch vành.
- Bệnh về cơ tim.
- Rối loạn nhịp tim.
- Bệnh van tim.
- Suy tim,…
Bệnh tim mạch làm hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, gây giãn đoạn quá trình tuần hoàn máu khiến thiếu oxy đến não và các bộ phận trong cơ thể. Từ đó dẫn đến các cơ quan bị ngừng trệ, lâu ngày phá hủy từng bộ phận dẫn đến tử vong.
Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh về tim mạch cao hơn người trẻ tuổi. Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho biết: Mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong của cả nước.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý về tim mạch
Bệnh lý về tim mạch có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó chủ yếu là do thói quen và cách sinh hoạt hàng ngày như:
– Hút thuốc lá: Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá là nguyên nhân chính làm hẹp mạch máu, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, Nicotine ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp (phổi), gây ung thư phổi.
– Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Những người thích ăn mặn, thường xuyên ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch rất cao.
– Lười vận động, không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao: Những người lười vận động có khả năng mắc bệnh béo phì và là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch. Thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng khả năng co bóp của cơ tim, giúp máu lưu thông tốt hơn. Từ đó giúp tim khỏe mạnh, hạn chế các mảng bám bên trong thành mạch.
– Stress kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm nghiêm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.
– Thừa cân, béo phì.
– Cholesterol trong máu tăng là nguyên nhân hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác như: di truyền, người mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường,… cũng tác động đến hệ thống tim mạch.
Chúng ta cần phải kiểm soát được những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch từ sớm thì mới có thể giảm được tỷ lệ mắc bệnh này.
Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh tim mạch
Người mắc bệnh tim mạch thường có những biểu hiện triệu chứng từ rất sớm. Nếu bạn để ý sẽ phát hiện được bệnh từ sớm, từ đó có thể điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn. Sau đây là những biểu hiện thường gặp:
Đau ngực
Đây là triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh về tim mạch. Tình trạng điển hình được miêu tả là cơn đau tức, đè áp ở giữa ngược. Triệu chứng này xuất hiện khi chúng ta gắng sức, thường không kéo dài và tự khỏi. Triệu chứng này cũng bắt gặp ở một số bệnh lý khác như: hô hấp, thần kinh,… Khi thấy hiện tượng này cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Khó thở
Khó thở là biểu hiện cũng thường rất hay gặp ở người mắc bệnh tim mạch. Triệu chứng này xuất hiện từ từ và tăng lên khi chúng ta gắng sức. Nếu nặng, ngay cả khi nằm ngủ cũng có biểu hiện khó thở (khoa học gọi đó là khó thở kịch phát về đêm).
Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức
Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức khi hoạt động bình thường là dấu hiệu thiếu máu hoặc oxy đến tim, não và phổi. Một số trường hợp còn cảm thấy uể oải, chân tay bủn rủn.
Hoa mắt, chóng mặt
Người mắc bệnh về tim mạch sẽ làm giảm khả năng vận chuyển máu và oxy đi đến các tế bào. Khi lượng máu, oxy thiếu hụt người bệnh sẽ thường bị hoa mắt, chóng mặt ngay cả khi không làm việc. Nếu nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến ngất xỉu đột ngột.
Đi tiểu về đêm
Người bệnh suy tim thường có biểu hiện đi tiểu nhiều về đêm do cơ thể bị tích nước gây phủ ở nhiều bộ phận. Về đêm, khi các cơ quan trong cơ thể hoạt động chậm lại thì lượng nước tích tụ sẽ được đẩy đến thận thông qua các mạch máu. Lúc này, thận có chức năng lọc và đào thải độc tố trong cơ thể ra ngoài bằng đường nước tiểu.
Một số triệu chứng khác như: chán ăn, buồn nôn, nhịp tim không đều,…
Một số bệnh lý về tim mạch thường gặp
Người mắc bệnh tim mạch thường mắc những bệnh lý rất nguy hiểm. Chúng ta phải kể đến những bệnh lý thường gặp như:
Bệnh lý mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng do tích tụ các mảng sơ vữa hoặc cholesterol lên thành động mạch, khiến thành động mạch bị hẹp lại. Từ đó dẫn đến khả năng lưu thông máu và cung cấp oxy cho cơ thể bị giảm Khi bệnh mạch vành kéo dài sẽ dần làm giảm khả năng hoạt động của cơ tim.
Triệu chứng của bệnh mạch vành khá mơ hồ, chỉ có cảm giác đau thắt ngực, khó thở,… sau đó tự động biến mất mà không cần dùng thuốc. Bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao do nhồi máu cơ tim. Người bệnh có thể phòng ngừa bằng việc ăn uống khoa học, thường xuyên tập luyện thể dục mỗi ngày.
Bệnh lý van tim
Van tim là cấu trúc để ngăn cách các buồng tim, có tác dụng đóng mở một chiều để hướng dòng máu di chuyển theo hướng nhất định. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh van tim nhưng phổ biến là do thấp tim hay thoái hóa. Bệnh lý này biểu hiện dưới 2 dạng tổn thương chính là hở van tam và hẹp van tim.
Rối loạn nhịp tim
Đây là hiện tượng bất thường liên quan đến nhịp tim. Có một số loại rối loạn lành tính nhưng cũng có những rối loạn ác tính có thể gây tử vong nếu không điều chỉnh kịp thời. Khi thấy nhịp tim bị rối loạn ngay cả khi không vận động thì đó chính là điềm báo về bệnh tim mạch.
Suy tim
Suy tim là hậu quả khi tim bị tổn thương hoặc bị rối loạn. Khi chức năng co bóp của tim hoạt động không tốt dẫn đến tim không đủ khả năng tiếp nhận hoặc bơm máu đáp ứng cho cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy tim như: Nhồi máu cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh về van tim, viêm cơ tim,…
Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là những khiếm khuyết ở tim hay mạch máu xảy ra từ trong bào thai khiến cấu trúc và chức năng của tim bị ảnh hưởng. Theo thống kê, có 1%-2% trẻ nhỏ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh như ống động mạch, hoán vị đại động mạch.
Các phương pháp chuẩn đoán bệnh tim mạch
Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám bằng những xét nghiệm được chỉ định như:
Khám lâm sàng: Bác sĩ chuyên môn sẽ khám lâm sàng cho người bệnh bằng cách thăm hỏi tiền sử bệnh lý của bệnh nhân cũng như gia đình bệnh nhân, từ đó đánh giá các yếu tố nguy cơ. Khai thác triệu chứng bệnh lý, thăm khám kiểm tra huyết áp, nghe tim để tìm nguyên nhân.
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện ra tình trạng thiếu máu, nồng độ cholesterol, chỉ số đường huyết và một số bệnh liên quan đến suy tim,…
Điện tâm đồ, siêu âm tim: Là những phương pháp đơn giản, an toàn, không xâm lấn, giúp phát hiện các bất thường và nguyên nhân gây ra các bất thường về tim mạch.
Hiện nay, có rất nhiều bệnh viện có thể thăm khám, sàng lọc bệnh tim mạch. Người bệnh hãy đến những cơ sở y tế, bệnh viện chất lượng để thăm khám. Bằng những máy móc hiện đại, quý vị sẽ sớm phát hiện ra những bất thường của cơ thể, từ đó điều trị sớm giúp giảm thời gian điều trị.
Với những thông tin chia sẻ ở trên, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh lý tim mạch. Từ đó có cách khắc phục, ngăn ngừa từ sớm để bảo vệ sức khỏe bản thân. Chúng tôi luôn khuyên mọi người thăm khám sức khỏe tổng quan định kỳ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện và điều trị bệnh. Chúc mọi người luôn có nhiều sức khỏe.
Một số bệnh lý liên quan: