Đái Tháo Đường: Nguyên nhân – Dấu hiệu và Biến chứng tiểu đường

Thống kê từ Hiệp hội Tháo đường & Nội tiết thành phố Hồ Chí Minh năm 2015, những con số biết nói về bệnh đái tháo đường đang trở nên phổ biến và âm thầm tàn phá cuộc sống của chúng ta:

  • Hơn 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
  • 65% người Việt Nam không biết mình bị đái tháo đường.
  • Tỉ lệ gia tăng bệnh nhanh chóng trong vòng 10 năm trở lại đây của Việt Năm tăng 211%, trong khi thế giới là 70%.

Vậy có những loại tiểu đường nào, dấu hiệu biểu hiện ra sao, nguyên nhân nào gây nên bệnh và biến chứng của chúng nguy hiểm như thế nào ? Cùng theo dõi ĐÁI THÁO ĐƯỜNG KỲ 1 của chúng tôi dưới đây.

Thống kê mới nhất về bệnh đái tháo đường tại Việt Nam
Thống kê mới nhất về bệnh đái tháo đường tại Việt Nam

Tìm hiểu về tiểu đường và nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là một căn bệnh mãn tính, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng tạo isullin, hoặc không sử dụng isullin một cách hiệu quả, hoặc cả hai dẫn đến nồng độ glucose trong máu cao.

Hiện nay, có 3 loại đái tháo đường phổ biến:

  1. Đái tháo đường type 1

Là tình trạng tự miễn dịch, nghĩa là hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công các tế bào beta tuyến tụy khiến chúng bị phá hủy, dẫn đến cơ thể bị thiếu isullin tuyệt đối.

Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân tiểu đường type 1, nhưng các bác sĩ cho rằng phần lớn do yếu tố di truyền hoặc do môi trường. Khả năng người bệnh nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có mẹ hoặc anh chị mắc tiểu đường type 1.

  1. Đái tháo đường type 2

Là tình trạng các tế bào beta tuyến tụy bị giảm chức năng, khả năng sản xuất isullin giảm, không đủ phục vụ cơ thể, dẫn đến tích tụ lượng đường trong máu.

Đây là loại đái tháo đường phổ biến nhất, thường xảy ra ở người trưởng thành tuy nhiên ngày càng trẻ hóa nhiều hơn do lối sống sinh hoạt ít vận động, ăn uống thực phẩm không lành mạnh với tình trạng béo phì, thừa cân tăng cao.

  1. Đái tháo đường thai kỳ

Là tình trạng hormone ngăn chặn sản xuất isullin trong quá trình mang thai, gây ra rối loạn đường máu, thường được phát hiện ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ.

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường

Dấu hiệu phát hiện sớm tiểu đường

Theo thống kê 65% người Việt Nam không biết mình bị mắc bệnh tiểu đường, chứng tỏ bệnh diễn ra vô cùng âm thầm và khó lường, có thể xảy đến ở mọi lứa tuổi, mọi thời kỳ. Nếu cảm thấy cơ thể có sự khác lạ hay gặp phải các biểu hiện dưới đây, hãy lập tức đi thăm khám ở các cơ sở chuyên khoa, vì có thể đó chính là DẤU HIỆU BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG.

  1. Liên tục khát nước

Luôn trong cảm giác khô miệng, khát nước, và đã uống nhiều nước nhưng vẫn thấy khát. Đó là do đường huyết trong máu tăng cao, cơ thể tự động tách phần nước có trong tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng đường. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây cảm giác khát nước.

  1. Đi tiểu nhiều lần trong ngày

Trung bình một người bình thường một ngày 24 giờ đi tiểu từ 4 đến 7 lần. Nếu nhiều hơn số lần trên rất có khả năng bạn đã có dấu hiệu mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là cơ thể muốn loại bỏ lượng đường dư thừa, thận sẽ hoạt động mạnh hơn khiến đi tiểu nhiều hơn.

  1. Giảm cân đột ngột

Mặc dù đói và ăn rất nhiều nhưng cân nặng vẫn giảm đột ngột ??? Nên nhớ cơ thể bạn sống bằng glucose (đường), khi glucose không thể chuyển hóa mà bị giải phóng thông qua nước tiểu, cơ thể sẽ dùng năng lượng thay thế trong cơ bắp và chất béo, khiến bạn bị sụt cân.

  1. Thị lực giảm

Nếu lượng đường trong máu quá cao, chất dịch có thể bị đẩy ra khỏi thủy tinh thể, ảnh hưởng đến tiêu điểm khiến mắt mờ, thị lực giảm.

  1. Đói và mệt mỏi cả ngày

Khi cơ thể không sản sinh đủ isullin để chuyển đường vào tế bào, cơ bắp hay các cơ quan khác, cơ thể bị cạn kiệt năng lượng và đói cồn cào. Nhưng mặc dù đã nạp đồ ăn liên tục, thì các tế bào khi thiếu đường vẫn khiến bạn trở nên mệt mỏi vô cùng.

  1. Dễ bị nhiễm trùng, viêm nhiễm

Khi bị đái tháo đường, hệ miễn dịch cơ thể bị giảm sút, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng và nấm, các vết thương hở khó và lâu lành. Ngoài ra các nấm men ăn glucose, nên viêm nhiễm có thể phát triển ở bất kỳ nếp gấp ẩm nào của da, như giữa ngón tay, ngón chân, và cơ quan sinh dục.

  1. Các dấu hiệu khác

Không những vậy, ở các trường hợp khác nhau, sẽ có người cảm giác bị khô và ngứa da ở giai đoạn tiền tiểu đường khi nồng độ isullin trong máu tăng lên. Hoặc các trường hợp bị tê bì chân tay, mất cảm giác ở chân là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm về việc đường huyết làm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu. Ở người tiểu đường type 2 có thể xuất hiện các mảng da tối màu, da thẫm lại ở chỗ các nếp gấp, như nách và cổ, đây cũng là dấu hiệu báo hiệu hiện tượng kháng isullin.

Đặc điểm - bến chứng và dấu hiệu của bệnh
Đặc điểm – bến chứng và dấu hiệu của bệnh

Nếu như đái tháo đường type 1 dễ dàng nhận biết hơn do diễn biến bệnh nhanh và nguy hiểm thì type 2 khó phát hiện hơn, mất nhiều thời gian để chẩn đoán hơn và hay xảy ra ở tuổi trưởng thành – thường sẽ chủ quan về sức khỏe hơn. Bởi vậy sẽ rất cần thiết nếu nắm được các dấu hiệu trên để theo dõi, quan tâm cơ thể, và có biện pháp chữa trị từ sớm.

Với các bà mẹ đang mang thai, tiểu đường thai kỳ thường không thể hiện rõ, vì vậy cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ để phát hiện bất thường của cơ thể cũng như xét nghiệm tiểu đường bằng nghiệm pháp 3 mẫu glucose khi thai ở giai đoạn từ 24-28 tuần.

Các biến chứng tiềm ẩn của tiểu đường

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2015, toàn thế giới có 415 triệu người độ tuổi 20-79 bị đái tháo đường, tương đương cứ 11 người sẽ có 1 người bị mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là thực tế số lượng người bị đái tháo đường rất nhiều, chỉ là chưa được phát hiện bằng các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán mà thôi.

Bởi vậy, các biến chứng đái tháo đường thường xảy ra tập trung ở người tiểu đường type 2, khi mà bệnh phát triển âm thầm, không được thăm khám xét nghiệm thường xuyên và phát hiện sớm để có chế độ dinh dưỡng và tập luyện cân bằng khắc phục.

Biến chứng tiểu đường chia làm 2 loại: mãn tính và cấp tính.

  1. Biến chứng mãn tính

Việc tăng glucose trong máu mãn tính thời gian dài sẽ gây nên rối loạn chuyển hóa đường, đạm và chất béo, làm suy giảm chức năng nhiều cơ quan khác nhau cơ thể như tim mạch, thận, mắt, thần kinh, thận.

  • Biến chứng tim mạch: Cụ thể làm tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch mạch máu não chính là 1 chu trình cực kì nguy hiểm và phổ biến của đái tháo đường.
  • Biến chứng thị giác: mức glucose trong máu cao thời gian dài sẽ khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị thương tổn, gây ra bệnh lý về võng mạc, mắt bị mờ, thị lực suy giảm, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
  • Biến chứng thận: đường máu cao sẽ tác động đến các mạch máu nhỏ ở thận, làm giảm chức năng thận, và nghiêm trọng hơn là gây ra suy thận.
  • Biến chứng thần kinh: Đây là biến chứng xuất hiện sớm nhất và rõ nhất ở người bệnh đái tháo đường. Bao gồm các biểu hiện như tê bì hoặc mất cảm giác ở tay chân, teo cơ, nguy hiểm là có thể gây nên cụt chi. Ngoài ra các biến chứng liên quan đến thần kinh còn có thể xảy ra như nhịp tim bất ổn, liệt cơ mặt, mắt lác,…
  • Biến chứng nhiễm trùng: Như đã nhắc ở trên, việc đường máu cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch cơ thể, gây nên nhiễm trùng ở nhiều bộ phận trên cơ thể: như viêm răng lợi, tiết niệu, sinh dục,… Và các biến chứng này thường rất khó xử lý và mất thời gian dài để điều trị thành công.

Không những vậy, đối với các trường hợp đái thảo đường trong thời gian mang thai, các bà mẹ và trẻ có thể gặp phải các nguy cơ như sau:

  • Tăng nguy cơ tiền sản giật ở mẹ mang thai.
  • Tăng nguy cơ tiểu đường ở cả mẹ và con sau khi sinh.
  • Tăng nguy cơ làm tổn thương đến các cơ quan khác của cơ thể như xương khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ, bệnh về da ở mẹ và bé.
Đo chỉ số đường huyết để có giải pháp tốt nhất
Đo chỉ số đường huyết để có giải pháp tốt nhất
  1. Biến chứng cấp tính

Là những biến chứng xảy ra đột ngột, thường không xử lý kịp thời hoặc khó khắc phục.

  • Hạ đường huyết: Xảy ra khi lượng đường trong máu giảm đột ngột (khoảng dưới 3.6 mmol/L). Nguyên nhân là do uống thuốc hoặc tiêm isullin quá liều cho phép, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc uống thuốc khi chưa ăn, tập luyệt quá sức hoặc uống nhiều rượu bia. Biểu hiện khi hạ đường huyết thường thấy là cơ thể đói cồn cào, mệt mỏi, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, trống tim đập nhanh liên hồi.
  • Nhiễm toan ceton: Là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa, tăng nồng độ axit, nguyên nhân do những chuyển hóa đang dang dở bị thiếu isullin gây ra. Tình huống xấu nhất có thể gây nên tử vong nếu không kịp cấp cứu.
  • Hôn mê: Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, biến chứng này xảy ra đột ngột và cần cấp cứu lập tức nếu không sẽ tử vong.

Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, không có khả năng chữa trị dứt điểm, người bệnh hoàn toàn phải sống chung với nó cả đời. Nhưng không có nghĩa là chúng ta phải đầu hàng chúng. Bằng các biện pháp thăm khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm bệnh, chúng ta còn cần duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt bổ ích để kiểm soát lượng đường huyết trong máu. Với những người đã bị đái tháo đường, cũng hoàn toàn yên tâm nếu tận dụng các biện pháp trên và có thể đón đọc bài viết tiếp theo “ĐÁI THÁO ĐƯỜNG KỲ 2: Cách chung sống và chiến thắng tiểu đường”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *